Monday 23 January 2017

Mái Tây, Nhượng Tống: "Cùng bạn đọc"


Nhượng Tống (1906-1949)

Vở "Mái Tây" tôi dịch hầu các bạn đây nguyên là một vở tuồng Tàu. Người viết vở tuồng ấy là Vương Thực Phủ đời Nguyên. Cũng như tất cả các nhà viết tuồng ở Đông phương hay Tây phương, thường lấy một truyện xưa làm "lam bản", họ Vương viết vở này lấy truyện "Hội Chân ký" làm lam bản. Hội Chân có nghĩa là "gặp tiên". Nhưng "tiên" ở đây chỉ là một nàng tiên sa xuống cõi trần, nghĩa là một người con gái đẹp. Người viết truyện Hội Chân là Nguyên Vi Chi, một thi sĩ tề danh và là bạn thân với Bạch Lạc Thiên đời Đường. Trong truyện chép sự gặp gỡ của Trương Quân Thụy cùng Thôi Oanh Oanh. Nhưng người đời sau, bằng vào các thư từ, các bia văn của họ Nguyên cùng của những danh sĩ cùng thời đó thì vai Quân Thụy chẳng phải là ai mà lại chính là Vi Chi. Vậy thì "Hội Chân ký" chỉ là Vi Chi tự ghi lại một chuyện tình của mình trong lúc thiếu thời. Sở dĩ phải mượn tên người khác là vì trong chuyện có một đôi điều bất đạo đức mà người viết không tiện tự nhận.

Theo vào "Hội Chân ký" họ Vương viết "Tây Sương Ký". Hai chuyện khác nhau nhất là ở đoạn cuối: "Hội Chân" thì kết quả là ly biệt, mà "Tây Sương Ký" kết quả là đoàn viên. Đoàn viên — như lời bác sĩ Hồ Thích — ấy là một cái "mê tín" của bao nhiêu nhà tiểu thuyết nước Tàu! Tuy nhiên, cái sáo ấy nó hơi ngấy cho những người có một quan niệm văn học cao hơn! Vì thế, Thánh Thán đời Minh mới võ đoán mà cho rằng bốn chương cuối của Tây Sương Ký không phải là do tay Vương Thực Phủ. Ông cho rằng một văn tài đã viết nổi mười sáu chương đầu của vở này, đâu lại có "trẻ con" mà viết thêm bốn chương cuối ấy. Vậy, cái đoạn cuối ấy chỉ là của một tay dốt nát hiếu sự, muốn đem đuôi chó mà "nối điêu"! Ấy là ý của riêng ông. Chứ những danh sĩ trước ông như Lý Trác Ngô, sau ông như Hồ Thích, thì đều công nhận Tây Sương Ký là hay, mà đều không dị nghị gì về bốn chương ấy cả. Theo ý bác sĩ họ Hồ, thì quan niệm về văn nghệ đời Nguyên chưa được tiến bộ cho lắm. Vì thế, ta không lạ gì một người như Vương Thực Phủ, sau khi đã vẽ xong con rắn Tây Sương, lại thêm cho nó bốn cái chân ngộ nghĩnh và nặng nề! Vả lại, ta cũng không có gì là chứng cớ chắc chắn để chứng cho bốn cái chân ấy vẽ ra chẳng phải tự ngọn bút họ Vương. Lời võ đoán của Thánh Thán chẳng qua vì quá yêu Thực Phủ... Cũng vì quá yêu tác giả, nên khi tôi dịch cũng bỏ không dịch bốn chương cuối. Vì, bỏ đi như thế có hai cái lợi: một là Tây Sương Ký sẽ không sai mấy với Hội Chân Ký; hai là người đọc sẽ được một mối cảm lai láng bồi hồi hơn.

Đến việc dịch: chỗ nào nguyên văn là văn xuôi tôi sẽ dịch ra văn xuôi, chỗ nào nguyên văn là từ khúc, tôi sẽ dịch sang các giọng lục bát. Ý tôi mong gặp được một người thông thạo, có thể lựa các câu văn của tôi dịch, theo các giọng hát Tuồng, hát Chèo, và đưa vở này lên sân khấu. Và như thế, thì phần nhiều câu hát chỉ nên cho những người ở trong màn hát phụ, dù trong vở nó là câu hát của vai ở ngoài màn. Ấy là những câu hát tả những ý nghĩ đáng có của những vai trò mà chính ra trong lúc ấy các vai ấy đúng lý phải nín lời mới hợp tình, hợp cảnh. Ví dụ như những câu hát của Oanh Oanh lúc mời rượu Quân Thụy... Tuy thế, đó là chuyện ta bàn nhau khi sắp đem vở này ra trước các rạp hát. Còn giờ đây, tôi hãy giới thiệu với các bạn chuyện "Gặp Tiên", lam bản của truyện "Mái Tây".

Nhượng Tống
Viết trên “Phong Mãn Lâu”
đêm 25.01.1942














No comments:

Post a Comment